title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 8 tháng 01 năm 1946): "Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”
Thứ tư, 08/01/2025, 09:21 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền vào ngày 8-1-1946: “… Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”. Lời dạy này được đăng trên Báo Cứu quốc, số 137, ngày 9-1-1946.

 

 

Lời của Người nhằm huấn thị cán bộ tuyên truyền phải hiểu rõ trong hoàn cảnh, nhiệm vụ nào cũng phải tôn trọng tính khách quan, chân thực, phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng, trình độ dân trí, phát huy giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam; qua đó, hình thành thái độ, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Hơn thế, Hồ Chí Minh còn nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tuyên truyền là phải “tôn trọng hiện thực khách quan”, có như vậy tuyên truyền mới có nhiều người nghe và đạt được mục đích, hiệu quả tuyên truyền.

Quán triệt lời dạy ấy, đội ngũ cán bộ tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương qua các thế hệ đã vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm khách quan, trung thực.

___________

- Ngày 08/01/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số trí thức Việt Nam đang ở Pari tham dự một cuộc thảo luận tại Hội Địa dư Pháp về quyền tự quyết của người Triều Tiên, cũng nhằm tranh thủ nêu vấn đề về quyền tự quyết của người Đông Dương.

-.26 năm sau, ngày 08/01/1946, chỉ hai ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đi thăm Trại giam Hỏa Lò ở Hà Nội. Báo chí mô tả người đứng đầu Nhà nước đã thăm khu nhà giam, nhà tắm, lớp học, buồng làm việc, trạm xá, nhà bếp và lắng nghe các phạm nhân phân trần, rồi Người khuyên họ “gắng sửa tội lỗi để xứng đáng là công dân của một nước độc lập”. Chủ tịch nhắc Giám đốc trại giam xem xét lại các án tù và xin cơ quan thẩm quyền tha bớt những người nhẹ tội.

Sau đó, Chủ tịch thăm Sở Cảnh sát Trung ương đóng ở phố Hàng Trống và căn dặn: Ngoài việc giữ trật tự còn phải tuyên truyền, phải đoàn kết và hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố. Đến Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch nhắc nhở phải giữ thái độ khoan dung với kiều dân Pháp và trong việc tuyên truyền phải tôn trọng sự thật, có vậy mới có nhiều người nghe.

Cũng trong ngày hôm đó, đáp lại việc nữ sĩ Hằng Phương gửi tặng cam cho Chủ tịch Nước, trên tờ “Tiếng gọi Phụ nữ” (số 11) Bác đăng bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” bằng những câu thơ ý nhị và sâu sắc:

“Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai!”.

- Một năm sau, ngày 08/01/1947, Bác lại đăng một bài thơ gửi tặng Báo “Độc Lập” cơ quan ngôn luận của giới trí thức và công thương mang tinh thần cổ vũ cho một năm mới đầu tiên cả nước bước vào cuộc kháng chiến gian khổ:

“Năm mới thế cho năm đã cũ.

Báo “Độc lập” của Đảng Dân chủ.

Kêu gọi toàn thể dân Việt Nam,

Đoàn kết và thắt chặt hàng ngũ,

Kiên quyết kháng chiến đến kỳ cùng,

Để giữ chủ quyền và lãnh thổ.

Chờ ngày độc lập đó thành công.

Tết ấy tha hồ bàn với cỗ”.

Cũng nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi hô hào đồng bào phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài..., ra sức thi đua tăng gia sản xuất và quan tâm đến các chiến sỹ ngoài chiến trường. Cùng ngày, Bác Hồ còn viết thư khen ngợi các chiến sỹ bị thương xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế…, đồng thời khích lệ các thầy thuốc và khán hộ đã hết lòng chăm sóc thương binh: “Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”.

- Ngày 08/01/1959, Xưởng may 10 của Tổng cục Hậu cần có vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Từ đó đến nay, nhà máy này không ngừng trưởng thành đến nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong ngành May mặc nước ta.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 67