title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 25 tháng 10 năm 1951): “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”
Thứ sáu, 25/10/2024, 13:54 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị/ Bộ Quốc phòng) nhân dịp Người về thăm trường ngày 25 tháng 10 năm 1951. Bác căn dặn: “Ngày xưa tổ tiên ta đã phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm. Đời Trần phải kháng chiến ba lần mới đuổi được quân Nguyên. Đời Lê kháng chiến một lần nhưng phải mười năm mới đuổi được quân Minh... Cuộc kháng chiến của ta là tiếp tục cuộc Cách mạng Tháng Tám... phải trường kỳ mới giành được thắng lợi... Cuộc kháng chiến của ta hết sức gian khổ... Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi”. Để khắc phục những khuyết điểm, Bác đề nghị: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân... Đó là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng... Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau... Nói như vậy là lầm to... Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời... Cần, kiệm, liêm, chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng”.

 

 

Bác đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của chính trị đối với quân sự và quân đội. Theo Người, chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội. Chính trị không chỉ là đường lối, chính sách của Đảng, còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu hy sinh của cán bộ, đảng viên. Quan điểm này của Hồ Chí Minh không chỉ đúng với học thuyết Mác - Lênin về xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, mà còn kế thừa những giá trị truyền thống đặc sắc về xây dựng quân đội của ông cha ta, như “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa” cho quân đội. Hơn cả, là sự phù hợp với thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nước ta trong điều kiện còn hạn chế về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; xu thế quốc tế hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; đáng chú ý là các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình chống phá cách mạng nước ta, cổ xúy cho cái gọi là: “quân đội phi chính trị”, “quân đội phi đảng phái”, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam càng phải thấm nhuần hơn lời dạy của Người về xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng quân đội về chính trị; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh; phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa quân đội và nhân dân; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam… để dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân đội ta vẫn luôn giữ vững, phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước.

___________

- Ngày 25-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ thảo luận một số vấn đề kinh tế và tiếp tục góp ý, bổ sung Dự thảo Hiến pháp.

- Ngày 25-10-1946, tiếp tục loạt bài giới thiệu về “Binh pháp Tôn Tử”, báo Cứu Quốc đăng bài “Bàn về địa hình”, trong đó Bác phân tích: “Về quân sự đành rằng phải có binh mạnh, tướng giỏi, nhưng không nghiên cứu địa hình một cách tường tận, không thể xuất trận thành công được. Trên mặt trận, biết lợi dụng địa hình, đánh trận không hao tổn công sức mà được thắng lợi dễ dàng... Gặp địa hình nào phải tùy cơ ứng biến để có thể lợi dụng một cách có hiệu quả trong cuộc chiến đấu với quân địch”.

- Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong phần viết về “Cách lãnh đạo” có đoạn: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng... Nghĩa là: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu... Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình. Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng... Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi... Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.

- Tháng 10-1948, trong một bức thư riêng gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bác nhắc đến một vụ việc, qua đó thấy cách ứng xử của người đứng đầu Chính phủ đối với người cán bộ mắc sai lầm. Thư viết: “Chú Hòe thân mến. Việc ân xá, ân giản ở Thái Bình như thế là xong. Ông giám đốc Vũ Văn Huyền đã tỏ ra rất tận tâm với chức vụ thì Chính phủ nên khen... Nhưng… vừa rồi ông ấy làm quá đáng, thì chúng ta phải phê bình để giúp ông ấy sửa chữa và tiến bộ. Ngoài sự phê bình bằng công văn, có lẽ chú nên lấy tình nghĩa bầu bạn mà nói riêng cho ông ấy biết rõ thái độ của Chính phủ...”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 161