LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 20 tháng 11 năm 1956) “Đoàn kết là sức mạnh. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết chặt chẽ xung quanh Trung ương” - LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 20 tháng 11 năm 1956) “Đoàn kết là sức mạnh. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết chặt chẽ xung quanh Trung ương” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại “Hội nghị cán bộ trung, cao cấp quân đội”, tháng 11 năm 1956.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất cho toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Rất nhiều những bài viết, bài nói chuyện của Người với đồng bào, đồng chí, với bạn bè, anh em Bác đều căn dặn, nhắc nhở phải giữ gìn sự đoàn kết và khẳng định đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là chìa khoá của mọi thành công. Trong đó, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng nói chung, đoàn kết trong Trung ương nói riêng luôn được Người coi là vấn đề quan trọng, mang ý nghĩa sống còn để giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.
|
Lời căn dặn trên của Bác có ý nghĩa sâu sắc, vì Người đã sớm nhận thấy vai trò to lớn, ý nghĩa sống còn của vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong Trung ương và khẳng định đây chính là nguồn gốc của sức mạnh, là then chốt của mọi thành công. Thực tiễn chứng minh, bằng sức mạnh đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong Trung ương, Đảng đã lãnh đạo toàn dân và toàn quân ta đấu tranh giành thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nói một cách khác, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và Trung ương là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh và sự cần thiết phải giữ gìn sự đoàn kết vẫn giữ nguyên giá trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện lời dạy của Bác, đoàn kết thống nhất trong Đảng nói chung và Ban Chấp hành Trung ương nói riêng phải trên cơ sở thấu triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, đúng đắn của Đảng. Luôn nhất quán với mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; quyết tâm xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để quy tụ mọi tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng nhân dân xung quanh Đảng và Ban Chấp hành Trung ương tất cả vì mục tiêu cao đẹp đó. Thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quy định về tự phê bình và phê bình trong Đảng; thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
___________
- Ngày 20-11-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ quận 17 Đảng Cộng sản Pháp, tại cuộc họp này, Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ Chi bộ quận 13 sang quận 17, Pari.
- Ngày 20-11-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia dự thảo báo cáo của Tiểu ban Đông Dương thuộc Pháp trong Ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp và đưa ra đề nghị: “Công tác tuyên truyền này thực hiện: a) Bằng các báo chí xuất bản ở Pháp. b) Bằng diễn đàn của các Đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện. c) Bằng các hội nghị. d) Bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và văn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa”. Văn bản cũng đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được Đảng trực tiếp chỉ đạo.
- Ngày 20-11-1926, từ Quảng Châu, bài báo thứ hai trong loạt bài: ”Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi” được gửi về trong nước cho tờ “L’ Annam” đánh giá cao vai trò của Chính phủ Quảng Châu. Bài báo viết: “Thái độ của dân chúng các tỉnh rõ ràng là thuận lợi cho Chính phủ Quốc dân...”.
- Ngày 20-11-1946, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Tìm người tài đức” ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh” với nội dung: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Trong ngày, Bác ký Sắc lệnh bổ nhiệm nhiều cán bộ quân sự vào các cương vị quan trọng mà sau này họ đều trở thành những tướng lĩnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Phan Phác.
- Ngày 20-11-1958, Bác thăm Trường Cán bộ Công đoàn và căn dặn: “Muốn phát động quần chúng cho tốt thì trước hết cán bộ công đoàn phải gương mẫu, phải được phát động trước thì công nhân mới động... Phải tin vào sáng kiến và lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, nếu không thì phát mấy cũng không động”.
- Vào trung tuần tháng 11-1964, Bác viết “Thư gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam”, bày tỏ: “Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời. Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng... Đồng bào ta sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí... sẽ ra sức cùng toàn thể nhân dân miền Nam kề vai sát cánh tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ và tất thắng để giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà”.
- Ngày 20-11-1967, Bác gửi thư khen và tặng Huy hiệu cho đơn vị nữ dân quân xã Hoằng Hải, Hoằng Trường, Thanh Hóa đã tham gia bắn rơi hai máy bay phản lực Mỹ.
ST & BS