Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa (ngày 13 tháng 6 năm 1957) - “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả” - Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa (ngày 13 tháng 6 năm 1957) - “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
|
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài nói chuyện với đại biểu nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày 13 tháng 6 năm 1957. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Lời dạy của Bác đã chỉ rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của sự đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, là khâu then chốt của mọi thành công; đồng thời, Bác căn dặn đồng bào và nhân dân ta phải luôn nêu cao tinh thần vượt khó, đồng tâm hợp lực thì việc to mấy cũng làm được, cũng thành công. Đoàn kết còn chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ có tinh thần đoàn kết, đồng tâm, hợp lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giành độc lập, thống nhất đất nước, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX và đạt được những thành tự to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, song lời dạy “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả” vẫn còn nguyên giá trị, không những là tư tưởng, phương châm chỉ đạo mà còn là nguồn sức mạnh, động viên, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
__________
- Ngày 13/6/1921 tại Pari, Nguyễn Ái Quốc cùng nhà yêu nước Phan Châu Trinh đến dự buổi họp của Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa. Đây là thời kỳ hình thành nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gồm một số nhân vật khác (như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền).
- Vào khoảng giữa tháng 6/1922, diễn ra cuộc đối mặt giữa Bộ trưởng Thuộc địa, nguyên Toàn quyền Đông Dương Anbe Xaru (Albert Sarraut) với Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra tại Bộ Thuộc địa, ở Pari. Sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (tác giả ký T.Lan) thuật lại: Hai người ngồi đối mặt nhau. Thượng thư Thuộc địa nói đại ý như sau: Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn “bônsêvích” ở Nga. Họ âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương và chống lại nhà nước bảo hộ. Nước Mẹ Đại Pháp rất khoan hồng nhưng sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn. Nước Mẹ Đại Pháp đủ sức bẻ gẫy họ, như thế này. Nói đến đó, y vẻ mặt hầm hầm, hai tay nắm lại và làm như bẻ gẫy những vật gỡ rất cứng rắn, những người cách mạng Việt Nam... Rồi viên Bộ trưởng Thuộc địa đổi giọng:... Khi nào ông có cần gì, tôi sẵn sàng giúp đỡ... Bác nói: Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập.
- Ngày 13/6/1923, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã bí mật rời khỏi nơi cư trú ở Pari và cho biết là Nguyễn chỉ nói với mọi người là đi nghỉ mát tại vùng núi Savoie gần biên giới Thụy Sĩ. Trong báo cáo của cơ quan an ninh Pháp gửi Anbe Xaru (Albert Saraut) viết rằng: “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc đã trở nên vô cùng bận trí”. Cả một bộ máy an ninh của Pháp tiến hành truy lùng dấu tích của Nguyễn Ái Quốc và đúng 4 tháng sau (13/10/1923) báo cáo mật thám mới hốt hoảng báo tin rằng nhà hoạt động cách mạng Việt Nam và là đảng viên cộng sản Pháp và xuất hiện tại Đại hội Nông dân đang họp tại Mátxcơva, thủ đô của Liên bang Xô viết.
- Tháng 6/1923, trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) Nguyễn Ái Quốc đăng ba bài báo: “Không phải chuyện đùa”, “Diễn đàn Đông Dương” và “Trò Meclanh” với những chủ đề khác nhau nhưng tựu trung đều nhằm lên án những thối nát của chế độ thực dân ở chính quốc cũng như ở thuộc địa.
- “Nhật ký hành trình thăm Pháp”, ngày 13/6/1946 ghi (tại thành phố Biarritz): Hôm nay nhiều đại biểu kiều bào ở khắp nơi trong nước Pháp đến chào Cụ Chủ tịch. Lại rất nhiều kiều bào quyên tiền nhờ Cụ Chủ tịch đưa về cho Tổ quốc. Tuy số tiền không là bao, nhưng tấm lòng hăng hái yêu nước thật quý báu. Rồi kiều bào ở Anh, ở Pháp, ở Mỹ, ở “Nouvelle Calôdonie” (Tân Đảo) và các nơi khác khắp thế giới đều có gửi điện chúc mừng Cụ Chủ tịch và tỏ lòng yêu Tổ quốc.
- Ngày 13/6/1954, Bác viết trên Báo Nhân Dân bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” (với bút danh C.B) chỉ rõ chính chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra bệnh kiêu ngạo mà hậu quả là sự thoái hóa của cán bộ, do vậy “chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn... Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi”.
ST & BT