title

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 03 tháng 01): “Đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của Nhân dân Việt Nam"
Thứ sáu, 03/01/2025, 09:37 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, viết vào tháng 1-1959, trong bối cảnh đất nước Việt Nam bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai dùng bom đạn để đàn áp, giết hại nhân dân Việt Nam, Người chỉ rõ: Bọn vua quan và phong kiến đê tiện và hèn nhát đầu hàng và câu kết với bọn đế quốc để tiếp tục nô dịch nhân dân Việt Nam nhiều hơn, khiến nhân dân Việt Nam khổ cực không kể xiết. Nhưng đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân ViệtNam. Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy”.

 

 

Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự khẳng định truyền thống yêu nước của dân tộc, ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là cơ sở để Đảng ta hoạch định đúng đắn đường lối, chủ trương cách mạng - nhân tố quyết định đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lời của Người đầu năm 1959 đã khích lệ, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết đồng khởi, quyết tâm đấu tranh diệt ác, trừ gian, phá thế kìm kẹp, giành chính quyền, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công mạnh mẽ, hình thành một cao trào cách mạng đồng khởi vũ trang của quần chúng rộng khắp, tạo tiền đề đẩy nhanh thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; song lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm ấy đến hôm nay vẫn đang lan tỏa sức mạnh, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, kiên quyết, kiên trì, sáng tạo đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại công cuộc đổi mới đất nước của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

__________

- Ngày 03/01/1946, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn những công việc cấp bách và kết luận: “Chính phủ đã phải đối phó với hai sự khó khăn, trong Nam: Họa ngoại xâm; ngoài Bắc: Nạn đói. Nhờ sự ủng hộ của quốc dân, công việc đã có kết quả khả quan”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Thông đạt” gửi tới các Bộ trưởng liên quan đến quy định bảo quản tài liệu lưu trữ. Đây là một văn kiện lịch sử của ngành Lưu trữ nước ta, nó cho thấy tầm nhìn xa của người đứng đầu một quốc gia non trẻ chưa có kinh nghiệm hành chính.

Bản Thông đạt viết: "Xét rằng một vài công sở đã tự tiện huỷ bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại, vì sẽ làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia.

Vậy yêu cầu các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được huỷ những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép huỷ bỏ... Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”.

- Chỉ một năm sau đó, ngày 03/01/1947, Chính phủ của nước Việt Nam độc lập đã phải di chuyển lên Việt Bắc, Hà Nội đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Vào thời điểm ấy, Mariút Mutờ (Marius Moutet) là người Bác từng quen biết trong Đảng Xã hội Pháp, lúc này lại đang là Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại đang có mặt tại Hà Nội. Hy vọng tranh thủ được ông Mutờ (Moutet), Bác Hồ viết một lá thư trong đó có đoạn:

“Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sứ giả của hòa bình.

Tôi rất mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác của chúng tôi, và để chuyển đến với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”.

Bức thư đó không được hồi âm. Mutờ (Moutet) đến Hà Nội giữa cảnh đổ nát và trong vùng vẫy của giới thực dân mà đầu xỏ là Đô đốc Đácgiăngliơ (D’ Argenlieu). Ngày 08/01, Mutờ (Moutet) về nước mà không tìm ra giải pháp nào.

- 40 năm sau (1988), nhà sử học Pháp Philớp Đờvinlơ (Philippe Devillers) đã chứng minh rằng toàn bộ những thông điệp của Hồ Chí Minh trong thời gian này đều bị Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) phong tỏa, kể cả một “gói hàng” mà ngày 03/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người chuyển tới phía Pháp để trao tận tay vị Bộ trưởng. Trong một bức thư gửi tướng Đờ Gôn (De Gaulle), viên Đô đốc “diều hâu” này hí hửng: Nhờ ơn Chúa, Mutờ đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí Minh. Đó là một điểm thắng lợi đầu tiên.

Nhưng cái mà Đácgiăngliơ cho là thắng lợi đầu tiên ấy thì cũng khởi đầu cho một thảm bại cuối cùng khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ sau đó 7 năm!

Số lượng lượt xem: 75