title

Lời Bác dạy ngày này năm xưa (ngày 29/5/1944): “Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết”
Thứ tư, 29/05/2024, 17:41 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Là lời của Bác trong bài viết “Cách đánh du kích” Người viết tháng 5 năm 1944, gồm 13 chương. Đây là tài liệu quan trọng thể hiện sự sáng tạo của Bác trong sử dụng từ ngữ quân sự và vận dụng tài tình nghệ thuật đánh giặc của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước để huấn luyện cho du kích ta đánh giặc. Trong đó, Bác đã viết về mối quan hệ cá - nước giữa du kích và nhân dân rất mộc mạc, nhưng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Mối quan hệ giữa du kích với nhân dân là mối quan hệ tự thân, bởi du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Chiến tranh du kích là một phương thức để phát động toàn dân, mà chủ yếu là nông dân tham gia kháng chiến, nó được sinh sôi, nẩy nở giữa vùng địch chiếm đóng, tạo điều kiện thuận lợi để cho mọi người dân tham gia đánh giặc giải phóng quê hương, đất nước. Với lực lượng tại chỗ, vũ khí tại chỗ, thông thuộc địa hình, địa thế, thời tiết, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng… với những lối đánh giặc chưa từng có trong từ điển quân sự, thoắt ẩn, thoắt hiện, xuất quỷ, nhập thần… làm cho địch khiếp đảm, kinh hoàng đã góp phần làm nên thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

 

 

Từ mối quan hệ giữa du kích và nhân dân, được Bác nhân lên trong quan hệ giữa bộ đội với nhân dân, Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân. Cội nguồn sức mạnh, sự trưởng thành và chiến thắng của “Bộ đội Cụ Hồ” cũng đều bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, nhất là thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, toàn quân đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình dân vận khéo; tiêu biểu: “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân dân”, “Nâng bước em tới trường”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”… đã và đang góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

____________

- Ngày 29/5/1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc biểu tình do Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại Nghĩa trang “Pôre Lachaise” ở Pari để tưởng niệm “Tuần lễ Đẫm máu” (tức là tuần lễ mà thợ thuyền và nhân dân Pari bị lực lượng phản động Vécxây (Versailles) tàn sát đẫm máu khi đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả của Công xã Pari năm 1871).

- Ngày 29/5/1922, báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) đăng bài “Dưới cuộc khai hóa cao cả” của Nguyễn Ái Quốc tố cáo những chính sách cai trị và thủ đoạn bóc lột tinh vi của thực dân đối với dân thuộc địa để công kích ý kiến của Bộ trưởng Thuộc địa tại Hạ nghị viện.

- Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) và được bầu làm Hội trưởng danh dự.

 Cùng ngày, Bác họp Hội đồng Chính phủ chuẩn bị cho chuyến đi thăm Pháp dài ngày, phân công trách nhiệm cho những thành viên Chính phủ ở nhà. Về việc bổ nhiệm ông Vũ Đình Huỳnh làm Thư ký riêng kiêm cận vệ đặc biệt (aide camp particulier), Bác nói: “Trước đây ta phong cho Huỳnh chức Đại úy, đi đường gặp quan tư của Pháp phải chào, nay tôi nhân danh Chính phủ phong cho anh Huỳnh chức Đại tá (colonel) như thế anh Huỳnh chỉ phải chào có một Xalăng thôi”. Cũng trong ngày, Bác cùng tướng Xalăng đến thăm Sư đoàn Thiết giáp số 2 của quân đội viễn chinh Pháp và phát biểu: Tôi đi Pháp, tới đất nước tươi đẹp, Tổ quốc của các bạn. Tôi sẽ nói với các bà mẹ, các chị, các em và những người yêu của các bạn rằng, các bạn đều khỏe mạnh, đều là những người lính xứng đáng với danh dự của nước Pháp.

- Ngày 29/5/1952, Bác gửi thư cho đồng bào các tỉnh có đê nêu rõ: “Mấy năm liền, ta đã tránh được nạn lụt, do đó mà tránh khỏi nạn đói. Thành công đó là nhờ sự cố gắng chung của toàn thể đồng bào... Năm nay, mực nước có thể to hơn... Mấy năm trước, ta đã thắng giặc lụt. Năm nay, ta cũng quyết thắng. Đồng bào hãy xung phong thi đua góp công, góp của, đắp đê, giữ đê”.

 Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài: “Giữ bí mật bảo vệ cán bộ” với bút danh C.B, Bác đã biểu dương tấm gương của em Dĩnh ở Tiên Lãng, Hải Phòng mới 10 tuổi đã làm liên lạc, bảo vệ cán bộ, góp phần đánh giặc cứu nước. Kết luận bài báo, Bác viết:

“Cháu Bác Hồ thật là oanh liệt

Giữ bí mật, dù chết không khai

Cứu cán bộ khỏi giặc Tây

Các em kháng chiến càng ngày càng hăng”.

- Ngày 29/5/1960, trong bài “Những bước tiến của các hợp tác xã thủ công nghiệp” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác chỉ rõ những điều kiện rất quan trọng để củng cố và phát triển hợp tác xã là: “Cán bộ cần phải chí công vô tư; lãnh đạo phải dân chủ; quản lý phải chặt chẽ và toàn diện; phân phối phải công bằng… các hợp tác xã phải giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 203