title

KIÊN QUYẾT QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Thứ tư, 26/06/2024, 20:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Thực tiễn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Để đủ sức lãnh đạo đất nước và xã hội, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng nói chung và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân (CNCN) nói riêng.

 

 

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi CNCN là “kẻ thù của cách mạng”. Đảng ta xác định đấu tranh chống CNCN vừa là một nội dung trọng tâm, vừa là một giải pháp rất quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong mọi thời kỳ cách mạng, trước bất cứ nhiệm vụ gì, Đảng ta đều đặc biệt coi trọng và gắn chặt với cuộc đấu tranh chống CNCN. Nhằm giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng, trong đó có nội dung liên quan đến CNCN, từ năm 1939, Đảng ta đã tổ chức đợt sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng. Đặc biệt, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cụ thể 15 căn bệnh nguy hiểm trong Đảng bắt nguồn từ CNCN. Đảng ta nhận thức rõ nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ đảng viên, làm tha hóa Đảng ta không gì khác là CNCN. Từ chỗ coi CNCN là “kẻ thù của cách mạng”, Đảng xác định phải kiên quyết tuyên chiến với loại “giặc nội xâm” này. Vụ án Đại tá Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha Quân nhu, vì CNCN mà phạm tội tham nhũng phải lĩnh án tử hình là ví dụ điển hình chứng minh cho tinh thần kiên quyết đấu tranh với CNCN trong Đảng.

Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đều có các văn kiện chuyên đề về đấu tranh chống CNCN. Đặc biệt, từ Đại hội VI đến nay, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống CNCN của Đảng ta được thể hiện rất rõ nét. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh phải: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm minh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần “kiên quyết đấu tranh quét sạch CNCN trong toàn Đảng”. Tại Điều 3 của Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Đảng ta cũng nêu rõ đảng viên không được vướng vào “… CNCN, cơ hội, vụ lợi…”.

Nhờ thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng nói chung và đấu tranh chống CNCN nói riêng mà năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta ngày càng được nâng lên. Đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng và con đường XHCN; phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu thực sự làm nòng cốt đi đầu trong công cuộc đổi mới và lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng. Nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến được nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng ta vẫn vững vàng chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt lên đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra từ nhiệm kỳ khóa VII, trong đó có “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội” vẫn hiện hữu, có mặt diễn biến gay gắt, phức tạp hơn. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ rõ điều bức xúc và đáng lo nhất hiện nay là tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh sự “phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng”.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng Đảng ta nhận định nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó có nguyên nhân vướng vào CNCN. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái, tiêu cực. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên ngang tầm với đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh phải “kiên quyết đấu tranh quét sạch CNCN trong toàn Đảng”.

Mặt khác, trước bối cảnh mới đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nền kinh tế phát triển chưa bền vững, khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động ảnh hưởng rất lớn, cùng với những hạn chế, yếu kém còn tồn tại khiến nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Có thể khẳng định đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói chung, đấu tranh kiên quyết với CNCN nói riêng không phải là ý muốn chủ quan của ai, mà là yêu cầu tất yếu của tình hình nhiệm vụ cách mạng.

Để tiếp tục đấu tranh chống CNCN đạt hiệu quả cao, trước hết chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường xây dựng XHCN. Đây là cơ sở, nền tảng để cán bộ, đảng viên xác định động cơ, mục đích rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu đúng đắn, vì lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc, trong đó có gia đình, cá nhân mình. Chỉ có trên cơ sở ý thức rõ điều đó, cán bộ, đảng viên mới nâng cao sức “đề kháng”, không mắc vào CNCN.

Trong tổ chức xây dựng và sinh hoạt đảng phải giữ vững các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn chặt với đề cao trách nhiệm cá nhân trong Đảng. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm phòng ngừa từ xa CNCN cũng như mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Mỗi đảng viên, từng tổ chức Đảng phải coi tự phê bình và phê bình như phương thuốc để phòng ngừa và chữa trị các căn bệnh mắc phải. Mặt khác, phải có cơ chế phát huy tai mắt của nhân dân trong xây dựng Đảng và tham gia đấu tranh chống CNCN. Trước hết là phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát cán bộ, đảng viên. Phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền cổ vũ, tôn vinh những tổ chức đảng, đảng viên điển hình, tiên tiến và phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện của CNCN. Dùng thông tin chính thống đẩy lùi những thông tin sai trái, xấu, độc, đề cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn lợi cuộc đấu tranh chống CNCN, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.

Sáng mãi niềm tin

Số lượng lượt xem: 13