“Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” - “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
|
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết nói về phê bình trong Đảng; đăng trên Báo Nhân dân, số 468, ngày 14 tháng 6 năm 1955 với bút danh CB. Đây là thời điểm đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh; miền Bắc mới bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết đất nước, còn nhiều khó khăn, thử thách, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Lời dạy của Bác có ý nghĩa to lớn, khẳng định tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là thứ vũ khí sắc bén, giúp cho Đảng ta ngày càng mạnh thêm. Thông qua tự phê bình Đảng mới gột rửa được những hạn chế, yếu kém, những thói hư tật xấu, làm cho dân tin, dân theo Đảng; đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao bản lĩnh chính trị, ngăn ngừa biểu hiện tự cao, tự đại, mạnh dạn công khai tự phê bình, chân thành tiếp thu sự phê bình của người khác. Chống biểu hiện khi phê bình, giáo dục nhưng vẫn bảo thủ, trì trệ... Thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình chính là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, Đảng ta đã không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình; tiếp tục lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm cho Đảng ta thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đáp ứng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
___________
- Ngày 14/6/1911, Nguyễn Tất Thành tiếp tục hải trình đầu tiên trên con tàu “Đô đốc La Touche Tréville” sang Pháp ghé qua cảng Côlômbô của Xây Lan (nay là Xri Lanca).
- Ngày 14/6/1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam Điểm (Franc - Maconnerie) là một tổ chức có tư tưởng chống quân chủ ra đời tại Pháp từ thời kỳ cách mạng tư sản. Lễ chấp nhận được tổ chức tại Trụ sở Liên hội Quốc tế ở Pari. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi tổ chức này vì nó không phù hợp với lý tưởng đang theo đuổi.
- Ngày 14/6/1946, tại thành phố Biarritz, trong khi chờ đợi Chính phủ Pháp thành lập, Bác tiếp đại diện nhiều đoàn thể của Pháp trong đó có Hội Pháp - Việt hữu nghị mới được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như ông Giuxtanh Gôđác (Justin Godart), bà Mari Quyri (Marie Curie), nữ nhà báo Ăngđrê Viônlít (Andre Viollis), bà Braun, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp... Cùng ngày, Bác từ chối trả lời chính thức phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP vì lý do Chính phủ Pháp chưa thành lập, nhưng đưa ra quan điểm: “Dùng văn minh chinh phục người ta thì bền vững hơn dùng súng đại bác”.
Cũng trong ngày 14/6/1946, ở trong nước, báo Cứu Quốc đăng bài “Noi gương anh em tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu” của Bác (bút danh Q.T) biểu dương những đóng góp to lớn của lực lượng tự vệ Thủ đô xứng đáng với lời khen ngợi: “Anh em tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu thật đáng làm khuôn mẫu cho tất cả các anh em tự vệ các nơi về mọi phương diện”.
Tiếp tục loạt bài giới thiệu “Binh pháp Tôn Tử” báo cùng ngày còn đăng bài “Phương pháp tác chiến”, trong đó Bác đưa ra nhận định: “Cho nên người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy”.
- Ngày 14/6/1958, với bài viết “Những người Mỹ biết điều”, Bác (ký tên Trần Lực) trích dẫn ý kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ Menxphin phát biểu tại Thượng nghị viện và đánh giá rằng: “Thế là những chính khách Mỹ biết điều cũng tán thành chủ trương đúng đắn của Chính phủ ta. Nếu Ngô Đình Diệm còn có lương tâm, không muốn mang tiếng xấu muôn đời là kẻ phản nhân dân, phản Tổ quốc, thì phải làm theo lòng mong muốn thiết tha của đồng bào và thực hiện những điều Chính phủ ta đã đề nghị”.
- Ngày 14/6/1961, Bác đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội. Hòa cùng bà con trên đồng ruộng, Bác căn dặn: “Muốn phát triển sản xuất tốt, trước hết các xã viên phải đoàn kết như anh em một nhà. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết thì khó khăn mấy cũng làm được, cũng vượt qua được… Cán bộ phải gương mẫu… phải chí công vô tư, sổ sách tài chính phải minh bạch...”.
- Ngày 14/6/1966, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình với lời biểu dương: “Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Nay Quảng Bình lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ”.
- Ngày 14/6/1969, tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây cũng là lần cuối cùng Bác xuất hiện trong một cuộc mít tinh tại Hội trường Ba Đình lịch sử.
ST & BT