“Quan sơn muôn dặm một nhà, Vì trong bốn biển đều là anh em” - “Quan sơn muôn dặm một nhà, Vì trong bốn biển đều là anh em” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đó là những câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong diễn văn tiễn Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp và Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Câu thơ trên khẳng định tình đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Để xây dựng, củng cố sự nghiệp đoàn kết cao cả ấy, Hồ Chí Minh cho rằng, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng sai lầm, lệch lạc, như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại… Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần vào việc củng cố sự đoàn kết quốc tế cao đẹp ấy.
|
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cơ sở lý luận để Đảng ta xác định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; có chính sách đối ngoại rộng mở; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
____________
- Ngày 24/5/1922, bản Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp Thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc thảo được thông qua. Văn kiện này chỉ ra tôn chỉ, mục đích của Hội và nêu rõ quan điểm: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp Thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy”. Cuối bản Tuyên ngôn kêu gọi: “Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.
- Ngày 24/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo công việc của Đoàn Quốc hội đang ở Pháp; việc dàn xếp xung đột với lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng ở Vĩnh Yên; việc thống nhất quân đội giữa Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội với quân Chính phủ... Cùng ngày, báo Cứu Quốc đăng tiếp bài thứ hai của Bác về “Binh pháp Tôn Tử” với nhan đề: “Muốn biết người phải thế nào?”. Bài viết phân tích vai trò quan trọng của việc sử dụng và các phương thức hoạt động gián điệp để nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của gián điệp thực nặng nề. Làm được nhiệm vụ đó, thắng trận rất dễ dàng”.
- Ngày 24/5/1948, nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại buổi gặp Bác trước ngày họp Hội đồng Chính phủ: “Trời càng về đêm càng mưa lớn. Chúng mình phải ở lại kéo dài câu chuyện với Cụ (Chủ tịch) trong lúc chờ đợi hết mưa. Cụ ân cần thăm hỏi gia đình của mọi người. Đến lúc chúng mình vui câu chuyện nhắc đến gia đình Cụ, Cụ phì cười và nói: “Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng người như tất cả mọi người. Nhưng với hoàn cảnh này, còn điều kiện nào nghĩ đến gia đình... Ý kiến các chú thế nào?”. Chúng mình cũng chỉ phì cười mà nói: “Thật là khó”, không thể có ý kiến gì khác. Cụ cười và nói tiếp: “Gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo gia đình lớn đi vậy”.
- Tháng 5/1953, Bác gửi điện cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào Xuphanuvông (Souphanuvong) và Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Cao Miên (Campuchia) Sơn Ngọc Minh đã gửi điện chúc mừng sinh nhật. Trong thư cảm ơn nhân Ngày sinh nhật, Bác viết: “Tôi trân trọng cảm ơn tất cả. Tôi xin báo cáo rằng tôi rất mạnh khỏe và xin hứa với đồng bào, bộ đội và các bạn rằng: Tôi quyết đưa tất cả tinh thần và sức lực để cùng đồng bào và bộ đội đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, đặng góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới”.
- Ngày 24/5/1969, Bác kiểm tra sức khỏe, sau đó họp Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh báo cáo về công tác đối ngoại. Bình luận về chủ trương 8 điểm liên quan đến việc giải quyết chiến tranh ở Việt Nam của Tổng thống Mỹ R.Níchxơn (R.Nixon), Bác nói: “Níchxơn đã bị động và đó là hành động mị dân của Níchxơn”.
ST & BS