title

“… Khen, chê phải đúng mức. Khen nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục...”
Thứ tư, 06/11/2024, 14:46 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi họp của Bộ Chính trị tiếp tục cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ, ngày 06 tháng 11 năm 1962, đăng trên Báo Nhân dân, số 3148, ra ngày 07 tháng 11 năm 1962. Bác đóng góp ý kiến về việc văn nghệ sĩ đi thực tế: “Đi, nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông dân chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng cũng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khỏe như thế nào”, về tình hình văn nghệ: “... Không có cách mạng, không có kháng chiến thì không có văn nghệ như bây giờ... Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen, chê phải đúng mức. Khen, nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục... Văn chương phải hùng hồn, tình cảm phải sâu sắc, lý lẽ cho đích xác…”.

 

 

Sáng ngày 06 tháng 11 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ. Khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi một đợt thực tế dài hạn ở nông thôn, Người đã tán thành chủ trương này và có những lời căn dặn quý báu đối với các văn nghệ sĩ đi thực hiện nhiệm vụ này. Đây là sự nhắc nhở sâu sắc, có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng đối với mỗi văn nghệ sĩ cần nêu cao ý thức trách nhiệm, bám sát thực tiễn, khen, chê phải đúng mức; nói cách khác, Người yêu cầu các văn nghệ sĩ phải phản ánh trung thực và khách quan cuộc sống lao động, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ở vùng nông thôn.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà đã thường xuyên bám sát đời sống nông thôn, lăn lộn trên đồng ruộng, gò đồi, cũng như trên các chiến trường đầy khói lửa; hòa mình vào cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, tích cực cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn… góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, trước bối cảnh phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học sâu sắc định hướng nhận thức, tư tưởng, phương châm hành động của các văn nghệ sĩ; bồi dưỡng cái tâm và cái tài, cổ vũ động viên các văn nghệ sĩ bám sát cơ sở, đi sâu khám phá cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, qua đó sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay và tốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

____________

- Ngày 06/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều vấn đề quan trọng như soạn thảo Hiến pháp, kiểm tra việc phân phối gạo chống nạn đói và tổ chức tăng gia sản xuất.

- Ngày 06/11/1946, Bác thăm trụ sở Đảng Dân chủ, một đảng phái yêu nước đã cộng tác đắc lực với Việt Minh trong thời kỳ vận động khởi nghĩa và thăm Tự vệ thành Hoàng Diệu là lực lượng bán vũ trang của nhân dân Thủ đô. Sau đó, cùng cụ Tôn Đức Thắng đi thăm “Phòng Nam bộ” một địa điểm phối hợp các hoạt động của các tầng lớp nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ.

- Tháng 11/1948, Bác gửi thư và áo lụa cho Cục trưởng Cục Quân chính Phan Tử Lăng (một cựu sĩ quan của chế độ cũ, giác ngộ theo cách mạng). Thư viết: “Áo lụa này do đồng bào biếu Bác, nay Bác tặng lại chú. Chúc chú đánh giặc giỏi và tiến bộ nữa”.

- Ngày 06/11/1950, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác gửi điện mừng tới Nguyên soái Liên Xô Xtalin: “Nhân ngày Quốc khánh của quý quốc, một ngày vui mừng chung của tất cả nhân dân lao động trong thế giới, tôi kính thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi lời sốt sắng chúc mừng Ngài và Chính phủ cùng nhân dân Xô Liên. Là thành trì của nhân loại mới và tiến bộ, chúng tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ngài và quý Chính phủ, nước Xã hội chủ nghĩa Liên Xô càng ngày càng cường thịnh, do đó mà hòa bình thế giới được bảo vệ, dân chủ được phát triển và các dân tộc nhược tiểu được mau chóng giải phóng”.

- Ngày 06/11/1967, Bác gửi điện cảm ơn nhân dịp Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Huân chương Lênin, nhưng bày tỏ ý nguyện: “Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man hàng vạn đồng bào tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào. Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại. Kính gửi các đồng chí lời chào cộng sản”.

ST & BS

Số lượng lượt xem: 50