“Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước. Như vậy, các bạn sẽ thành công” - “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước. Như vậy, các bạn sẽ thành công” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc” Bác viết ngày 25 tháng 8 năm 1950. Bác nhấn mạnh: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trong trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học... Ngày nay chúng là nhi đồng. 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước. Như vậy, các bạn sẽ thành công”.
|
Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra gay go, ác liệt; Việt Bắc được lựa chọn là căn cứ địa (ATK) hoạt động lãnh đạo cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù cuộc sống và công việc ở chiến khu bộn bề khó khăn, vất vả, hiểm nguy, nhưng Bác Hồ vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi và công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, lớp “công dân đặc biệt”, “…người chủ tương lai của nước nhà”. Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong tâm can của Bác; sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước, đặc biệt là vai trò của các cô giáo trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc các cháu nhi đồng.
Thấu triệt chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo nước ta luôn xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục mầm non - bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục lâu dài, nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Niềm tin, hi vọng của từng gia đình và cả xã hội về tương lai của trẻ, của đất nước trông trờ ở sự phát triển hằng ngày ở lứa tuổi măng non. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phẩm chất đạo đức, trình độ, kỹ năng, tính mô phạm trong cuộc sống hằng ngày, sự say mê yêu nghề, yêu trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của các cháu.
__________
- Ngày 25-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 6 được đưa ra xét xử, luật sư bảo vệ cho bị cáo Tống Văn Sơ tiếp tục tranh biện buộc Tòa phải nhận những sai sót trong quá trình tố tụng nhằm ngăn chặn âm mưu trục xuất để mật thám Pháp bắt.
- Ngày 25-8-1942, với bí danh mới là Hồ Chí Minh, Bác đến Ba Mông thuộc tỉnh Tĩnh Tây trú chân và ăn Tết Trung Nguyên (14-7 âm lịch) rồi lên đường đến Trùng Khánh. Chính trên hành trình này, Hồ Chí Minh đã bị các thế lực quân phiệt địa phương bắt giam.
- Ngày 25-8-1945, tại làng Ga (Từ Liêm, Hà Nội), Bác nghe 2 đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình Thủ đô. Tiếp đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đón Bác vào nội thành và trú tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của gia đình thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô.
- Trong bài nói chuyện ngày 25-8-1953 với Lớp chỉnh huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Khu I, Bác khẳng định: “Vậy bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp anh em thi đua đều là anh hùng của dân tộc, không nên nghĩ chỗ này thì tiến bộ, chỗ khác không tiến bộ. Bất kỳ làm việc gì cũng phải cố gắng, kiên quyết an tâm công tác, sẽ vẻ vang và có thể trở nên anh hùng được”.
- Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Tổng thống Mỹ Risát Níchxơn (Richard Nixon) đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”. Đây cũng là văn kiện cuối cùng của Bác viết chỉ một tuần lễ trước khi qua đời.
ST & BT