“Chúng ta thường than phiền không đủ thời giờ để làm việc và học tập. Đó là vì chưa biết quý trọng thời giờ, sắp đặt thời giờ cho hợp lý, còn lãng phí nhiều thời giờ” - “Chúng ta thường than phiền không đủ thời giờ để làm việc và học tập. Đó là vì chưa biết quý trọng thời giờ, sắp đặt thời giờ cho hợp lý, còn lãng phí nhiều thời giờ” - Chuyên trang Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
|
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Một phút đồng hồ” với bút danh “C.B.”, đăng trên Báo Nhân dân, số 153, ra từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 12 năm 1953. Bác nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ và phải có tinh thần phụ trách và phải coi “Một phút đồng hồ, một nén vàng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, trong bất kỳ vị trí, hoàn cảnh nào Bác luôn tiên phong, mẫu mực, giản dị và tiết kiệm. Bác thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm; tiết kiệm sức lao động, tiền bạc, đặc biệt là tiết kiệm thời gian. Với Bác, đức tính tiết kiệm thời gian là rất quý báu, Người luôn quý trọng, sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách chủ động bố trí, sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại, để sao cho không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Tiết kiệm thời gian của Bác không chỉ là tiết kiệm cho mình, mà còn không để lãng phí thời gian cho mọi người, không để người khác phải chờ đợi, phục vụ. Lời dạy của Bác là sự nhắc nhở sâu sắc, giúp cho mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân biết quý trọng thời gian của mình, qua đó nâng cao ý thức tiết kiệm thời gian, sử dụng thời giờ hợp lý bảo đảm công việc trôi chảy, nhanh chóng và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đã và đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, “đi tắt, đón đầu”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học vô cùng quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong học tập, công tác và lao động sản xuất. Thực hiện tốt lời dạy của Bác đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Bác về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý; tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, tranh thủ tận dụng triệt để thời gian, thời cơ thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Bác hằng mong muốn.
____________
Ngày 11-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến thư viện Thánh Geneviève và gặp nhiều người Việt đang sống ở Pari.
Ngày 11-12-1920, mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc đã dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.
Ngày 11-12-1923, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Mátxcơva tạm thời được biên chế vào Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và tạm trú tại Khách sạn Lux.
Tháng 12-1958, nói chuyện với Lớp nghiên cứu Khóa I và Lớp bổ túc văn hoá Khóa VI Trường Công an Trung ương, Bác căn dặn: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy, phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được. Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”.
Cũng trong tháng 12-1958, trên Tạp chí Học tập cơ quan lý luận của Đảng, với bút danh “Trần Lực”, Bác viết bài “Đạo đức cách mạng” trình bày hệ thống quan điểm của mình về một vấn đề được coi là “nền tảng” của sự nghiệp cách mạng. Bài báo có đoạn viết: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”.
Ngày 11-12-1965, Bác dự họp của Bộ Chính trị thảo luận về tính chất cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Trong ý kiến trao đổi, Bác giải thích về những thuật ngữ như “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt”: “Đó là cách nói chữ của Mỹ. Còn ta cứ nói là “chiến tranh xâm lược”... Dù với hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng” và dự đoán: “Thời gian đến khi bầu cử Tổng thống, nội bộ chúng sẽ mâu thuẫn” nhưng cũng nhắc nhở phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với việc Mỹ có thể ném bom Hà Nội, Hải Phòng (điều mà sau đó không lâu đã trở thành hiện thực).
TH Sưu tầm