title

“Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”
Thứ hai, 22/04/2024, 10:18 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời trích trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ngày 22 tháng 4 năm 1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày. Kết luận báo cáo “Tình hình và nhiệm vụ”, Bác khẳng định: “Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi… Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng”.

 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là hạt nhân của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức; bởi họ là giai cấp kiên quyết, triệt để, có tổ chức, có kỷ luật, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ. Do đó, khi phân tích đặc điểm của các giai cấp trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có giai cấp công nhân mới gánh vác được sứ mệnh lãnh đạo toàn dân đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới. Để hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang đó, giai cấp công nhân phải có chính Đảng cách mạng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt.

Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân và là đội quân chủ lực của cách mạng. Tuy vậy, họ không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ không gắn liền với một phương thức sản xuất mới và không có hệ tư tưởng độc lập, họ cũng không có khả năng tự xây dựng một chế độ xã hội mới. Đánh giá đúng vị trí, vai trò của từng giai cấp và các tầng lớp trong xã hội Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và thành công trong việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa, nửa phong kiến với việc bổ sung phong trào yêu nước cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Người đã nhận rõ sức mạnh to lớn từ phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà lực lượng đông đảo, nòng cốt là giai cấp nông dân.

Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

___________

- Ngày 22/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về các các vấn đề cấp bách về an ninh và ngoại giao trong đó có diễn biến cuộc Hội nghị Việt - Pháp đang diễn ra tại Đà Lạt, ban hành Sắc lệnh về tổ chức Quân sự ủy viên hội, bên cạnh Bộ Quốc phòng. Cũng trong ngày, Bác ký Sắc lệnh quy định thể thức lập hội theo đó thì mọi công dân được lập hội nếu như không có mục tiêu lợi nhuận, làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung và sự an toàn của quốc gia.

- Ngày 22/4/1951, Báo Nhân Dân đăng bài “Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn” do Bác viết (bút danh C.B) biểu dương sáng kiến của phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) và khích lệ: “Ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến. Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm...”98. "Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn”.

- Ngày 22/4/1960, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Lê-nin, Báo Nhân Dân đăng bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, tác giả khẳng định: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

- Hai năm sau, ngày 22/4/1962, cũng trên Báo Nhân Dân đăng hai bài viết về Lê-nin. Trong bài viết “Lê-nin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam” viết cho Báo Sự Thật (Liên Xô), Bác nêu rõ: “Được nghiên cứu sách vở Lê-nin về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa, vấn đề nông dân... những người cách mạng Việt Nam thấy rõ đó là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ... Chúng tôi đã cố gắng làm đúng như Lê-nin dạy". Còn trong bài “Chủ nghĩa Lê-nin vĩ đại muôn năm!” (ký tên T.L) tác giả đi đến kết luận: “Chủ nghĩa Lê-nin vĩ đại đã đưa lịch sử loài người lên giai đoạn mới - giai đoạn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

- Ngày 22/4/1966, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giành lấy hòa bình, độc lập, tự do thật sự”.

- Ngày 22/4/1968, Bác tham dự họp Bộ Chính trị đánh giá cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, Bác nêu một số ý kiến trong đó đưa ra yêu cầu “Chuẩn bị các việc cho thời bình, phải viết lịch sử chống Pháp, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng phải làm dần đi”.

ST & BT

Số lượng lượt xem: 11