title

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các thế hệ phụ nữ các ngành, các giới là bài học lớn và sâu sắc
Thứ tư, 08/03/2023, 13:49 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960. (ảnh: Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đánh giá cao về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Bác luôn cổ vũ phụ nữ Việt Nam vươn lên phấn đấu để khẳng định vị thế và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Với tư tưởng nhân văn và tiến bộ nên mọi lời nói và hành động của Người đối với nữ giới từ trẻ đến già đã để lại những cảm xúc, những dấu ấn tốt đẹp không thể mờ phai. Mỗi lời nhắn nhủ ân cần, mỗi câu chuyện cảm động về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các thế hệ phụ nữ các ngành, các giới là bài học lớn và sâu sắc cho mọi người suy ngẫm và làm theo.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng tự hào về truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, luôn đặt niềm tin vào vai trò của phụ nữ và tin tưởng giao trọng trách cho phụ nữ.

Bác đã viết: “Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trên Báo Việt Nam độc lập, số 104, ngày 01 tháng 9 năm 1941 đã đăng bài thơ với tựa đề “Phụ nữ”[1] của Bác:

Việt Nam phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng.

 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ sự tôn trọng, quan tâm và luôn dành sự ngưỡng mộ đối với khí phách của phụ nữ.

Bác đã tự hào: “Hội phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển… Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước ta”[2]

Bác viết: “Thơ tặng 11 cô gái Sông Hương

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”[3].

Có một lần, biết tin đội nữ dân quân Thanh Hóa là những người nữ đầu tiên có thành tích bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, Bác đã viết thư khen và mời ra thăm. Bác ra vườn hái tặng cho các cô gái mỗi người một chùm hoa lan thật to đang nở thơm ngát. Người lính bảo vệ xuýt xoa như tiếc nuối, thì Bác đã nói: “Hoa đẹp thật. Nhưng người quí hơn hoa”[4] 

Chương trình diễu hành áo dài kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáng 5/3/2023, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). (ảnh: Thanhuytphcm)

 

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm khuyến khích phụ nữ biết chăm chút nhan sắc, sự duyên dáng và sức khỏe để góp phần tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ nước nhà và thực hiện thiên chức là vợ, làm mẹ.

Nói chuyện với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Bác phân tích: “Phụ nữ phải đem hết sức mình ra chiến đấu và sản xuất, cho nên chị em ăn mặc giản dị, tóc cũng cắt ngắn đi làm cho gọn. Bây giờ, nên kinh tế đã được khôi phục và phát triển, đời sống được nâng cao, phụ nữ có thể trang điểm cho thêm đẹp, ai cho rằng để tóc dài đẹp và không vướng víu gì trong sản xuất thì cứ để.”[5]

Khi biết anh hùng Trần Thị Lý muốn được bác sĩ cắt bỏ dạ con để vết thương rất dài ở bụng không rỉ máu dai dẳng, Bác đã không đồng ý. Bởi vì Bác biết chị Lý có người yêu còn đang chiến đấu ở miền Nam và cả hai vẫn đang chung thủy đợi chờ nhau.[6]

Trong thư gửi con gái của nhà văn Đặng Thai Mai, lúc ấy đang mang thai: “Phải cẩn thận, nếu không cần kíp lắm thì không nên cưỡi ngựa, lội suối trèo đèo và làm gì nặng nề mệt nhọc quá”[7]

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn phụ nữ Việt Nam luôn là những con người mẫu mực và có phẩm hạnh tốt đẹp.

Bác nhắn nhủ: “Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe con cái”[8].

Bác dặn nữ nghệ sĩ: “Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật”, “Biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn, lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm ngôi sao thì các cháu phải giúp đỡ”[9].

5. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắn nhủ phụ nữ phải biết vươn lên để giữ vị trí và thể hiện vai trò của mình trong xã hội, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ.

Bác đã nhấn mạnh: “Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải: gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, học tập kỹ thuật. Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Hăng hái thi đua thực hiện cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng gia đình. Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới.”[10]

Bác  còn có nhắc nhở: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”[11]

6. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và phụ nữ nói riêng luôn không ngừng tu dưỡng đạo đức, phong cách người cách mạng trong cuộc sống và trong công tác từ cách nói, cách làm việc, cách ứng xử.

Tại một hội nghị báo cáo thành tích dân quân, sau khi nghe cô dân quân kết luận: “Có thành tích vì ở địa phương cán bộ thì bám dân, du kích thì bám địch”. Bác cười và sửa cho rõ ràng ý tứ và dễ hiểu hơn: “Cán bộ thì gần dân, du kích thì bám địch mà đánh chứ”.[12]

Một dịp khác, Bác gặp và hỏi thăm một nữ công an được giao tham gia nhiệm vụ bảo vệ đoàn đại biểu phụ nữ nước ngoài và bảo vệ Bác. Chị ấy sử dụng bốn từ “Công an giao cảnh” để nói về nhiệm vụ chỉ đường, thì Bác cười và nói: “Thế thì cháu nói là công an chỉ đường chứ”. Khi Bác hỏi về khả năng sử dụng súng và nhiệm vụ của chị ấy tại hội nghị này thì chị trả lời rằng đến đây làm “cảnh vệ” và xác định mình là “xạ thủ”. Bác nghe xong và góp ý: “Tiếng ta dễ hiểu, các cháu nên dùng tiếng ta, từ “xạ thủ”, “cảnh vệ” nên thay bằng “bắn súng” và bảo vệ”.[13]

Có một dịp tiễn đoàn văn công ra mặt trận, Bác hái tặng mỗi cô một bông hoa trong vườn. Có người muốn được thêm một cái nữa, Bác cười: “Bác chỉ cho mỗi cháu một bông thôi”[14].

Bác nhắc nhở cán bộ phụ nữ: “có cô vận động khéo, đến đâu làm gì, mình làm nấy, thân thiết như người nhà, thì có thành tích. Cô nào không hòa lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố, thì vận động khônh thành công”[15].

Bàn đến phụ nữ là bàn về “một nửa xã hội” như Bác đã nhấn mạnh: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân”[16]. Phụ nữ Việt Nam ngày nay mạnh dạn, tự tin, thông minh, sáng tạo là nhờ gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác đã khen tặng. Quan trọng là nhờ ánh sáng tư tưởng của Người về giải phóng phụ nữ, đấu tranh bình đẳng nam nữ luôn soi chiếu mọi chủ trương, đường lối của Đảng ta về vấn đề phụ nữ.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

Tài liệu tham khảo

Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin, 2011.

Doãn Thị Chính: Đạo đức Nho giáo với phụ nữ nông thôn Việt Nam Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị - Hành chính,Hà Nội, 2013.

Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

---------------------------------------

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

[2] Hồ Chí Minh toàn tập , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr. 148, 2000

[3] Hồ Chí Minh toàn tập , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr. 334, 2000

[4] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.68.

[5] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.18.

[6] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.43.

[7] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.23.

[8] H Chí Minh toàn tp , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 9 tr. 238.

[9] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.31.

[10] H Chí Minh toàn tp , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.86.

[11] H Chí Minh toàn tp , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.93.

[12] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.41.

[13]  Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.42.

[14] Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Bác Hồ với phụ nữ, Nxb Văn hóa Thông tin,2011, tr.68.

[15] H Chí Minh toàn tp , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.57.

[16] H Chí Minh toàn tp , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 10, tr.225.

Số lượng lượt xem: 76