title

Một câu trả lời đậm tính động viên của Bác Hồ
Chủ nhật, 10/07/2022, 15:32 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy In Tiến Bộ, Hà Nội, ngày 13/5/1959. Ảnh tư liệu

 

Hồi kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ thường đi xuống thǎm các đơn vị cơ sở. Một lần đi thǎm xưởng quân giới Lê Tổ[1], Bác trả lời các câu hỏi của anh chị em tại đây ngắn gọn, dễ hiểu. Có người hỏi, khi nào thì đồng tiền Việt Nam trở lại giá trị như khi nó mới có, Bác trả lời: "Khi các cô các chú tǎng gia sản xuất tǎng hai lần thì nó trở lại hai lần, tǎng ba lần nó trở lại ba lần"…

Thực sự với câu hỏi đó, với hầu hết mọi người, không phải dễ dàng trả lời một cách ngắn gọn, thỏa đáng. Người hỏi câu này hẳn có ý không hài lòng về việc đồng tiền bị trượt giá (mà ngày nay chúng ta gọi là lạm phát). Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của đồng tiền. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ. Đồng thời, lạm phát là sự giảm giá trị tiền tệ của một quốc gia này so với các loại tiền tệ của quốc gia khác. Nguyên nhân chính của lạm phát là do tổng cung giảm, tức là lượng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp sụt đi so với trước hoặc giảm đi so với nhu cầu (tức tổng cầu có sự tăng đột biến)[2].

Do đó, trong một bối cảnh chuyện trò thân mật, những người là công nhân có thể không đủ thời gian và kiến thức để tiếp nhận sự giải thích của Bác Hồ (hoặc của ai đó) về việc hồi phục giá trị của đồng tiền[3]. Hơn nữa, việc lý giải bằng các thuật ngữ có thể không phải là thói quen của Bác Hồ, người luôn rất nhạy bén, tinh tế khi chuyển các vấn đề phức tạp, hàn lâm thành những vấn đề giản dị, dễ hiểu và rất bình dân.

Trong câu chuyện ở trên, chúng ta học được một bài học sâu sắc từ Bác Hồ là diễn đạt một vấn đề về bản chất mang tính học thuật, chuyên sâu bằng một ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với hầu hết mọi người. Điều này rất có ý nghĩa với cán bộ, đảng viên là những người thường xuyên tiếp xúc với người dân, như cán bộ làm công tác tuyên truyền, công tác dân vận – mặt trận, cán bộ tiếp công dân… Bởi nếu chỉ lấy văn bản (nhất là các văn bản quy phạm pháp luật) để trả lời hoặc trao đổi với người dân thì không phải trường hợp nào cũng phù hợp. Có những người dân có hạn về kiến thức hoặc người các dân tộc khác không am hiểu tiếng Việt, nếu cán bộ dùng ngôn ngữ hành chính, khoa học để trao đổi có khi dẫn đến khó hiểu hoặc hiểu không chính xác. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nắm vững vấn đề, thông tin, quy định và có đủ vốn ngôn ngữ, kiến thức, sự nhạy bén để diễn đạt lại thành ngôn ngữ bình dân hơn, thậm chí nôm na hơn, nhưng không làm sai lệch bản chất của vấn đề.

Điều đặc biệt ở câu trả lời trên của Bác Hồ chính là sự động viên sâu sắc đối với các công nhân tại Xưởng quân khí Lê Tổ mà cũng là lời nhắn gửi dành cho tất cả công nhân, nông dân và những người lao động khác. Về mặt lý thuyết, khi tăng gia sản xuất tăng thì tổng cung tăng lên, sẽ góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát (tức là thiểu phát), giá trị đồng tiền được ổn định, sự trượt giá giảm đi. Điều này rõ ràng rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế. Nhưng điều sâu xa không dừng lại ở đó. Lời của Bác Hồ còn có ý nghĩa khích lệ sự hăng hái, tích cực của tất cả người lao động trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Từ sự cải thiện hiệu quả làm việc của từng người sẽ tác động đến hiệu quả làm việc của một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy việc tăng hiệu quả lao động nói chung của toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, với tầm vóc, vai trò biểu tượng của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, lời của Bác Hồ có tính hiệu triệu rất cao. Điều đó tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm và hành động không chỉ của những người nghe trong một không gian cụ thể mà có thể lay động đến nhiều người khác khi được tiếp cận qua những kênh khác.

Một bài học khác ở đây dành cho các cán bộ lãnh đạo là phải thực sự lắng nghe tiếng nói của cán bộ, đảng viên ở cơ sở và người dân, phải có sự giải đáp kịp thời, phù hợp các phản ánh, đề đạt nguyện vọng từ bên dưới. Đồng thời, khi tiếp xúc cán bộ cơ sở, người dân, cán bộ lãnh đạo cần thể hiện được sự động viên đối với các hoạt động của mọi người, thậm chí truyền cảm hứng để khích lệ mỗi người có thêm động lực để hành động. Đương nhiên, điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có phong cách, thái độ, ngôn ngữ diễn đạt phù hợp và thực sự thể hiện được nêu gương về nhiều mặt (năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, lối sống…), thì khi đó, mỗi lời nói, mỗi cách nói mới có thể “thấm” đến từng người nghe!

Trúc Giang

------

 

[1] Xưởng quân khí Lê Tổ ở Cao Bằng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất, sửa chữa vũ khí trong kháng chiến. Tiền thân của xưởng là Cơ sở chữa súng Lũng Hoàng được thành lập tháng 3/1944 theo chủ trương của Tỉnh ủy Cao Bằng. Tháng 10/1944, Cơ sở phát triển thành Xưởng cơ khí Tỉnh Dảo có đủ các tổ sửa chữa và chế tạo súng, sản xuất tạc đạn, địa lôi... Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Xưởng chuyển từ núi cao xuống vùng thấp hơn là thung lũng Nặm Giới, sau đó chuyển đến khu vực đầu nguồn Pác Ngườm, xã Phúc Tăng và có tên mới Xưởng quân khí Lê Tổ. Năm 1950, Bộ Quốc phòng đã tặng thưởng Xưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. (nguồn: https://baocaobang.vn/Ho-so-Tu-lieu/Xuong-quan-khi-Le-To/31908.bcb)

[2] Trái với lạm phát là giảm phát, là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục. Giảm phát là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm. Nguyên nhân chính của giảm phát là do tổng cầu giảm. Thông thường, khi đề cập giảm phát, người ta vẫn đặt dấu âm kèm với con số ở mục tỷ lệ lạm phát. Giảm phát thường xuất hiện khi kinh tế suy thoái.

[3] Trên thực tế, điều này gần như không thể xảy ra, bởi nếu giá trị đồng tiền liên tục tăng (để trở về giá trị ban đầu) thì có nghĩa rằng mức giá chung của hàng hóa và nền kinh tế đang giảm, cũng có nghĩa là giảm phát. Như vậy, lạm phát hay trượt giá là điều gần như đương nhiên, vấn đề là phải kiềm chế ở mức phù hợp. Từ đó, có thêm khái niệm thiểu phát, là sự chậm lại của tỷ lệ lạm phát (khi lạm phát sụt xuống các mức rất thấp).

Số lượng lượt xem: 61