title

Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa (Ngày 17/6/1968) - “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”
Thứ hai, 17/06/2024, 08:34 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc với đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 17 tháng 6 năm 1968, về việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực, những cách ứng xử đúng đắn, đối đãi với nhau chân tình. Người đã dặn: Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định giá trị, bản chất cách mạng, khoa học, tính nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin mà mỗi người nói chung, cán bộ, đảng viên Ban Tuyên huấn Trung ương nói riêng phải ra sức học tập để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào quá trình công tác, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hiện nay kinh tế, xã hội đất nước có bước phát triển mới, tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; song lời dạy “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công tác giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên; là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận, đi đôi với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra.

____________

- Ngày 17/6/1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng là người Việt Nam đầu tiên tham dự mang tiếng nói của các dân tộc thuộc địa. Đại hội có 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và công nhân đại diện cho hơn 1,3 triệu đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế... Trước khi Tổng Bí thư của Quốc tế Cộng sản V.Curalốp đọc Nghị quyết và lời kêu gọi của Đại hội, đại biểu Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề: “Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các nước thuộc địa không?” và yêu cầu bổ sung vào văn kiện câu: “Gửi các dân tộc các nước thuộc địa”. Cuối cùng, tất cả các yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc đều được Đại hội chấp nhận.

 Cùng ngày, trên tạp chí “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản đăng bài “Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp” của Nguyễn Ái Quốc phê phán những ý kiến đề cao “nền văn minh Pháp” và đưa những dẫn chứng từ thực tiễn ở các thuộc địa để phản bác chế độ thực dân.

- Ngày 17/6/1946, trong thời gian lưu lại tại Biarritz, Bác thăm phong cảnh vùng núi Pirônô (Pyrenoes) và được dân làng Sare tổ chức lễ hội chào mừng các vị khách Việt Nam. Trong ngày, trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Pháp AFP, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp - Việt này. Hai nước Pháp - Việt xa nhau không phải vì văn hóa, lý tưởng mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của nước Việt Nam”.

- Ngày 17/6/1947, tại Tân Trào, Bác chủ trì Hội đồng Chính phủ kỷ niệm 6 tháng kháng chiến và nghe Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo về tình hình quân sự. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh thành lập Trường Ngoại ngữ nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho công tác đối ngoại của công cuộc kháng chiến.

- Ngày 17/6/1956, Báo Nhân Dân đăng bài “Bình dân học vụ” của Bác (C.B) biểu dương: Tính đến thời điểm này ở miền Bắc đã có 1.715.000 người tham gia các lớp học từ “itờ” đến các lớp bổ túc cấp 2, “có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: Bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học. Từ thành thị đến thôn quê, ở các đường phố, các nhà máy, các công trường, các chợ búa... khắp nơi có lớp học. Già, trẻ, gái, trai, ai chưa biết chữ đều tìm cách vượt khó khăn để đi học. Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, đến đâu cũng nghe tiếng học. Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng... Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!... Chúng ta nhất định tiêu diệt giặc dốt trong thời gian đã định”.

- Ngày 17/6/1958, Bác đã ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.

ST & BT

Số lượng lượt xem: 161